4 TIPS THIẾT LẬP MỤC TIÊU CHO NĂM MỚI HIỆU QUẢ
Ngày đăng: 13/01/2023 - Lượt xem: 501
Sau khi đã tự nhìn nhận và đánh giá lại bản thân sau 1 năm vừa qua, chắc hẳn nhiều người sẽ cảm thấy có động lực và đặt ra thêm nhiều mục tiêu trong năm mới. Tuy nhiên, nghiên cứu của tổ chức cung cấp dịch vụ về quản lý thời gian Franklin Covey chỉ ra rằng có đến ⅓ người đặt ra mục tiêu năm mới phá vỡ mọi kế hoạch của mình chưa đầy 1 tháng sau khi họ viết ra. Vậy làm sao để đặt ra mục tiêu thực tế và tuân theo mục tiêu đó? Cùng tìm hiểu 4 tips thiết lập mục tiêu cho năm mới hiệu quả với Hitsuji ngay sau đây!
THIẾT LẬP MỤC TIÊU THEO MÔ HÌNH SMART
Mô hình SMART (hay mục tiêu SMART) là những nguyên tắc được thiết lập để định hình và thực hiện mục tiêu trong tương lai do tổ chức Management Review đã đề ra vào năm 1981. Thông thường, có 3 lí do chính cho việc phá vỡ mục tiêu: (1) Mục tiêu không dựa trên mong muốn thật sự của bản thân, (2) Mục tiêu quá mơ hồ, (3) Không có kế hoạch cụ thể. Để thiết lập mục tiêu hiệu quả, bạn có thể tham khảo 5 tiêu chí của mô hình SMART
- Specific (cụ thể): Mục tiêu càng cụ thể, rõ ràng càng thể hiện rõ quyết tâm và nỗ lực thực hiện. “Tôi sẽ đạt được N3 Tiếng Nhật trong năm nay” so với “Tôi sẽ học Tiếng Nhật” sẽ là một mục tiêu cụ thể và hiệu quả hơn.
- Measurable (có thể đo lường được): Điều này sẽ giúp bạn biết được mình đang ở đâu trên hành trình đạt được mục tiêu. Hãy ghi lại từng thành tựu nhỏ mà mình đạt được qua ghi chú hoặc phần mềm theo dõi. Để đạt được N3 Tiếng Nhật, bạn đã tham gia bao nhiêu giờ học và học được bao nhiêu từ vựng theo từng tuần, từng tháng.
- Attainable (tính khả thi): Một yếu tố quan trọng giúp cho mục tiêu của bạn không trở nên viển vông và xa rời thực tế. Nhìn nhận khả năng và tình hình thực tế khi đặt ra mục tiêu để bản thân không bỏ cuộc giữa chừng. Tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với đặt ra mục tiêu dễ dàng, qua loa vì bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội để thử thách bản thân với những điều lớn lao hơn
- Relevant (tính phù hợp): Mục tiêu cần phù hợp với định hướng của chính bản thân bạn trong tương lai. Hãy đảm bảo rằng mục tiêu đó sẽ liên quan đến tầm nhìn của bạn sau này. Ví dụ, bạn mong muốn học thêm nhiều kỹ năng, bạn tiết kiệm tiền để đầu tư vào những khóa học đó.
- Time Bound (thiết lập thời gian): Nguyên tắc này tạo cho bạn những cột mốc xác định để hiện thực hóa mục tiêu. Trong quá trình thực hiện, bạn biết được mình đang đi đến đâu trong cuộc hành trình và kịp thời điều chỉnh khi cần thiết.
THỰC HIỆN MỤC TIÊU THEO MÔ HÌNH WOOP
Trên chặng đường thực hiện mục tiêu, khó khăn là điều không thể tránh, điều quan trọng là bạn có vượt qua được khó khăn đó để tiếp tục theo đuổi mục tiêu bản thân đề ra hay không. Mô hình W.O.O.P sẽ giúp bạn đánh giá được tình hình và khó khăn thực tế để có cách xử lý phù hợp.
- Wish (mong muốn): Mục tiêu bạn muốn thực hiện là gì?
- Outcome (kết quả): Kết quả lý tưởng bạn muốn đạt được là gì?
- Obstacle (rào cản): Điều gì ngăn cản bạn thực hiện điều mình muốn?
- Plan (kế hoạch hành động): Khi rào cản đó xuất hiện, bạn làm gì để vượt qua?
Ví dụ, tôi muốn đạt được tiếng Nhật N3 trong năm nay, để có thể giúp tôi có thêm nhiều cơ hội công việc liên quan đến Tiếng Nhật. Nhưng tôi thường cảm thấy mất động lực vì không có người học cùng và không thể tập trung khi học tại nhà. Để thay đổi, tôi sẽ tìm kiếm bạn bè học cùng và chuyển địa điểm học sang những nơi yên tĩnh như thư viện.
CHIA SẺ VÀ TÌM KIẾM NGƯỜI GIÚP ĐỠ
Hãy chủ động nói lên vấn đề khi gặp khó khăn. Vì khi chia sẻ, nếu không thể giải quyết được vấn đề, bạn cũng sẽ cảm thấy tốt hơn khi được đồng cảm, và thấu hiểu. Tìm đúng người chia sẻ và tìm cho mình 1 mentor cũng là một kĩ năng quan trọng để giải quyết vấn đề. Theo một nghiên cứu được đăng tải trên chuyên trang về Tâm lý học Ứng dụng (Journal of Applied Psychology) cho biết, bạn nên chia sẻ với những người có địa vị và trình độ cao hơn. Vì bạn quan tâm đến cách suy nghĩ và nhìn nhận của người đó về mình, từ đó có nhiều động lực và áp lực để thực hiện hơn, mức độ cam kết cũng cao hơn.
TƯ DUY TÍCH CỰC VÀ CÁI NHÌN THỰC TẾ
Bạn vẫn không đạt được mục tiêu ngay cả khi đã nỗ lực và cố gắng rất nhiều? Đừng quá lo lắng vì đó là chuyện hoàn toàn có thể hiểu được, điều quan trọng là giữ được tư duy tích cực và nhìn vào thực tế để tìm ra những lý do đằng sau thất bại và sửa đổi để phù hợp hơn. Tư duy tích cực để giữ bản thân không chìm đắm vào thất bại mà luôn nhìn ra những cơ hội để phát triển, những bài học để thay đổi tốt hơn. Cái nhìn thực tế để tỉnh táo đánh giá bản thân và tình hình khách quan, để bản thân không quá dễ dãi nhưng cũng không quá căng thẳng
Trên đây là một số tips giúp bạn thiết lập mục tiêu “nói được, làm được và duy trì được” cho năm mới. Hi vọng với những gợi ý trên sẽ giúp bạn có được bản mục tiêu năm mới cụ thể và chi tiết!
Để tìm hiểu thêm các thông tin về quản trị nhân sự và xu hướng ngành tuyển dụng, follow và theo dõi Hitsuji Consulting Vietnam ngay hôm nay!
Email: recruitment@hitsuji-vn.com
Phone: 024 7778 8968
Facebook: https://www.facebook.com/HitsujiconsultingVietnam
LinkedIn: https://www.linkedin.com/company/hitsuji-consulting-vietnam/