CÁCH TỪ CHỐI OFFER ĐỂ "GHI ĐIỂM" VỚI HR
Ngày đăng: 29/11/2022 - Lượt xem: 300
Sau khi trải qua quá trình phỏng vấn và trao đổi cuối cùng bạn đã nhận được lời mời nhận việc (offer) từ nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, những đề nghị đưa ra có thể khác với mong muốn của bạn hoặc bạn đã thay đổi định hướng, nhận được một offer khác tốt hơn,.. Làm sao để từ chối một cách khéo léo mà không làm phật lòng nhà tuyển dụng và tạo cơ hội ứng tuyển về sau? Tham khảo ngay những tips sau để giúp bạn từ chối offer sao cho lịch sự, “ghi điểm” với HR nhé!
Đừng im lặng, hãy thông báo sớm nhất cho nhà tuyển dụng về việc từ chối offer
Khi được hỏi nếu công ty chậm trễ hoặc không thông báo kết quả tuyển dụng thì bạn có ứng tuyển không, phần lớn nhân sự sẽ thẳng thừng từ chối. Cũng như vậy, khi đã quyết định không nhận công việc, hãy phản hồi nhanh chóng cho nhà tuyển dụng để họ có thể sắp xếp kế hoạch tuyển dụng và không làm ảnh hưởng đến công ty. Nhiều ứng viên e ngại rằng việc đưa ra thông báo từ chối sẽ gây khó chịu, mất thiện cảm cho HR và thường im lặng, tuy nhiên việc phản hồi lại kết quả sẽ thể hiện sự tôn trọng không chỉ với nhà tuyển dụng mà còn vị trí bạn đã ứng tuyển.
Không giải thích dài dòng, hãy thẳng thắn và chân thật
Nhiều người hay ngại nói thẳng lý do tại sao từ chối offer mà thường bắt đầu bằng “Dù rất thích công ty/công việc này nhưng…” và kèm theo loạt câu giải thích dài dòng, vòng vo. Việc đưa ra lí do súc tích sẽ tránh gây lãng phí thời gian cho đôi bên, nhất là khi trao đổi qua điện thoại. Thay vì giải thích cặn kẽ rằng công ty khác trả cho bạn mức lương cao hơn, chế độ đãi ngộ tốt hơn hay nghỉ phép dài hơn, bạn có thể chia sẻ rằng ngắn gọn rằng bạn đã nhận được một offer phù hợp với định hướng công việc hơn; bạn đã nhận lời mời của một công ty khác,..
Chia sẻ về những điểm bạn thấy chưa phù hợp, tuy nhiên không chê bai
Sự trao đổi mang tính đóng góp sẽ là điểm cộng đối với HR khi giúp họ nắm được thông tin cụ thể để có thể thay đổi, điều chỉnh. Tuy nhiên, cần hạn chế so sánh, có ý ngầm chê bai về môi trường, công việc, cơ sở vật chất,... của công ty, điều này không giúp bạn trở nên thẳng thắn trong mắt nhà tuyển dụng mà còn ngược lại gây mất thiện cảm, khiến bạn dễ dàng bị “gạch tên” trong những lần ứng tuyển sau.
Đề xuất giữ liên lạc và thể hiện mong muốn hợp tác trong tương lai
Cho dù không nhận lời mời làm, đề xuất giữ liên lạc và thể hiện mong muốn hợp tác nếu có cơ hội sẽ giúp ích cho bạn trong tương lai. Bởi các công ty trong lĩnh vực thường sẽ kết nối với nhau, nếu xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với nhà tuyển dụng, họ có thể giới thiệu bạn cho những vị trí khác khi mở tuyển dụng. Bên cạnh việc gửi thư, bạn có thể trò chuyện với HR qua điện thoại hoặc hẹn gặp mặt để thể hiện sự tôn trọng và trao đổi rõ ràng hơn.
Giới thiệu, đề cử ứng viên khác phù hợp với vị trí
Nếu bạn quen biết những người có năng lực và kinh nghiệm phù hợp cho vị trí, hãy giới thiệu họ cho nhà tuyển dụng. Việc kết nối như vậy giúp HR tiết kiệm thời gian tuyển dụng lại vị trí mà bạn đã từ chối, đây sẽ là điểm cộng cực lớn sẽ giúp bạn gây được thiện cảm trong mắt nhà tuyển dụng. Điều này cũng giúp lời từ chối offer của bạn “dễ chịu” hơn nhiều.
Follow để đón đọc những bài viết sau về chủ đề này từ Hitsuji Consulting Vietnam ngay bạn nhé!
Để tìm hiểu thêm về chúng tôi, vui lòng liên hệ qua:
Email: phungo@hitsuji-vn.com
Phone: 0705 619 568
Facebook: https://www.facebook.com/HitsujiconsultingVietnam
LinkedIn: https://www.linkedin.com/company/hitsuji-consulting-vietnam/