QUIET QUITTING: HIỂU ĐÚNG ĐỂ GIẢI QUYẾT

Ngày đăng: 30/11/2022 - Lượt xem: 463

Không chỉ gây ra làn sóng “Đại từ chức” trên toàn cầu (The Great Resignation), có thể thấy rằng COVID-19 đã, đang và sẽ làm thay đổi cách thức làm việc tại mọi nơi trên thế giới. Kéo theo đó là thuật ngữ Quiet Quitting xuất hiện và ngày càng trở nên phổ biến. Vậy Quiet Quitting nghĩa là gì? Nguồn gốc, lí giải và cách khắc phục cho vấn đề này ra sao? Cùng Hitsuji tìm hiểu ngay trong bài viết dưới dây!
 

QUIET QUITTING LÀ GÌ?

Không giống như cách mà VTV định nghĩa Quiet Quitting là “Âm thầm bỏ cuộc” hay “Làm việc cầm chừng”, cần phân tích chi tiết và cụ thể hơn rằng Quiet Quitting là những người hình thành trong tâm trí suy nghĩ nghỉ việc nhưng không bỏ việc hoàn toàn, do vậy họ chỉ làm những công việc được giao như trong mô tả, họ sẽ từ chối làm thêm giờ và dần rút lui khỏi những hoạt động tập thể của công ty, cũng như rất khó để liên lạc với họ về công việc ngoài giờ làm.

Ngoài ra, xu hướng này còn được cho là một cuộc “cách mạng” trong tư tưởng, đi ngược lại với văn hóa hối hả (hustle culture) khi người ta không còn lấy công việc làm trung tâm của cuộc sống và không định nghĩa giá trị bản thân bằng giá trị lao động. Thay vì cống hiến toàn thời gian cho công việc, những người theo xu hướng Quiet Quitting dành thời gian cho gia đình, bạn bè và nuôi dưỡng bản thân, theo đuổi những sở thích cá nhân. Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã tổng kết phong trào này bằng 1 câu: “Quiet Quitting không có nghĩa là từ bỏ công việc. Chỉ đơn giản là ta hoàn thành đúng những việc được giao và chăm chút hơn cho cuộc sống của mình - có được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống (work-life balance)”

QUIET QUITTING BẮT NGUỒN TỪ ĐÂU?

Có nhiều thông tin cho rằng Quiet Quitting là một phong trào bắt nguồn từ Tiktok khi tài khoản tiktok @zkchillin (trước đó là @zaidlepppelin) trở nên viral với video giải thích về Quiet Quitting. Trong video, anh chàng nói rằng: “Bạn không hoàn toàn từ bỏ công việc của mình nhưng bạn từ bỏ lí tưởng về sự tiến xa hơn và vượt lên trên công việc. Bạn vẫn thực hiện các nhiệm vụ công việc nhưng không còn tin vào văn hóa hối hả khi công việc là tất cả cuộc sống của bạn. Thực tế không phải vậy, và giá trị của bạn không được định nghĩa bằng hiệu suất công việc bạn làm.”

Tuy trở nên viral nhờ Tiktok, nhiều ý kiến khác cho rằng thuật ngữ này không bắt nguồn từ phương Tây nơi chủ nghĩa tư bản phát triển, mà đến từ Trung Quốc dưới cái tên phong trào “tang ping” hay “nằm thẳng”. Theo Jia Mao, phó giáo sư đại học xã hội học từ Đại học New York, Thượng Hải, "tang ping" nghĩa là từ chối làm việc quá sức và để mọi thứ thuận theo tự nhiên. Sự phổ biến của từ này phản ánh sự căng thẳng, thất vọng ở giới trẻ và tinh thần chống lại văn hóa hối hả khi đối mặt với áp lực của COVID-19 cũng như thực trạng bất ổn kinh tế ngày càng gia tăng. Trước sự lan rộng nhanh chóng của phong trào này, từ khóa này đã bị lọc và chặn tại nội địa do sự lo ngại sẽ làm dấy lên làn sóng nghỉ việc hàng loạt, gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế Trung Quốc

TẠI SAO QUIET QUITTING XẢY RA?

Vấn đề sức khỏe tinh thần

Theo GQ Magazine, Quiet-Quitting là cách thức đối phó với tình trạng kiệt sức (burnout) của lực lượng lao động. Báo cáo được công bố bởi Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ cho biết kiệt sức và căng thẳng là hội chứng cảm xúc, tâm lý đạt mức cao nhất mọi thời đại trên khắp các ngành trong thời kỳ đại dịch, gây nên nhiều rủi ro về nhân lực. Cũng trong Báo cáo Rủi ro Toàn cầu năm 2021, Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp “sự vỡ mộng của giới trẻ” đứng thứ tám trong số 10 rủi ro trước mắt. Các phát hiện bao gồm sức khỏe tâm thần ngày càng xấu đi kể từ khi bắt đầu đại dịch, khiến 80% thanh niên trên toàn thế giới dễ bị trầm cảm, lo lắng và thất vọng.

Việc chuyển đổi hình thức làm việc sang remote và hybrid working ngoài những tác động tích cực như trao quyền chủ động cho nhân sự, linh hoạt phương thức làm việc,.. thì cũng làm dấy lên những lo ngại khi ranh giới giữa thời gian làm việc và thời gian cho cuộc sống cá nhân bị lu mờ. Trong thời điểm giãn cách, nhiều nhân sự phải ở trong nhà hàng tuần, hàng tháng và nhiều người đã làm việc gần như liên tục và cảm thấy bị ảnh hưởng lớn bởi công việc, họ dường như bị “phá hủy” về tinh thần. Khi đạt đến đỉnh điểm, phản ứng với cảm giác làm việc quá sức, kiệt sức và căng thẳng có thể chính là nghỉ việc thầm lặng.

Mức độ hài lòng và kỳ vọng với công việc sụt giảm

Dữ liệu lực lượng lao động từ các tổ chức bao gồm McKinsey & Company cho thấy 40% lực lượng lao động toàn cầu đang muốn nghỉ việc trong vòng 3 đến 6 tháng tới. McKinsey nói: “Trung bình một người sẽ dành 90.000 giờ làm việc trong suốt cuộc đời, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi sự hài lòng hoặc không hài lòng trong công việc có thể ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống của bạn.” 

Maria Kordowicz, phó giáo sư về hành vi tổ chức tại Đại học Nottingham, cho biết: “Kể từ sau đại dịch, mối quan hệ của con người với công việc đã được nghiên cứu theo nhiều cách, và chúng tôi nhận thấy mối quan hệ ấy đã thay đổi. Xu hướng gia tăng nhân sự quiet quitting có liên quan đến sự sụt giảm trong sự hài lòng công việc. Tôi nghĩ vấn đề này phản ánh rõ góc nhìn của chúng ta đối với công việc, sau đại dịch chúng ta đã hiểu rõ giá trị của cuộc sống và sự quan trọng của cân bằng công việc hơn trước”.

Cùng với đó, Báo cáo Tình hình Nơi làm việc Toàn cầu năm 2022 của Gallup cho thấy chỉ 21% nhân viên đang gắn bó với công việc và 33% cảm thấy hạnh phúc với công việc. Gallup cho biết: “Sống chỉ để đợi đến cuối tuần”, “xem đồng hồ tích tắc” và “công việc chỉ là tiền lương” là những câu châm ngôn của hầu hết người lao động toàn cầu, báo hiệu mức độ sụt giảm nghiêm trọng về các khía cạnh hài lòng và kì vọng vào công việc.

GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC QUIET QUITTING

Các chuyên gia cho biết 'nền kinh tế đam mê' - nơi mọi người dành nhiều thời gian hơn để làm những gì họ thật sự yêu thích - đã báo trước một kỷ nguyên mới của những công việc phụ (side hustles), xuất hiện trong mọi ngành nghề, lĩnh vực, từ thủ công đến vận động tranh cử. Do đó, việc định hướng rõ ràng lộ trình phát triển và truyền cảm hứng cho nhân viên sẽ là những điều mà nhà tuyển dụng cần lưu ý. Tạo cơ hội trải nghiệm, thử sức ở vai trò mới; tạo kênh chia sẻ & phản hồi, các buổi nói chuyện về cơ hội công việc; xây dựng môi trường làm việc hiện đại, giúp nhân sự thích ứng nhanh với kỹ thuật số,... sẽ là một số cách thức giúp định hướng phát triển sự nghiệp cho nhân sự, gia tăng sự gắn bó.

Ngoài ra, các nhà quản lí cần đánh giá lại khối lượng công việc và trao đổi với nhân sự để phân bổ công việc một cách hợp lí. Cần đặt ra ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân và tôn trọng khoảng thời gian nghỉ ngơi của nhân sự để tránh tình trạng burnout diễn ra khi nhân sự phải ôm việc về nhà và làm việc ngoài giờ làm. Đồng thời cần đánh giá và training cho nhân sự các phương thức làm việc hiệu quả để tối ưu thời gian và năng suất làm việc của họ. 

Việc tương tác, trao đổi ý kiến đóng góp giữa nhân sự và nhà tuyển dụng cũng cần được diễn ra thường xuyên. Bên cạnh những chế độ đãi ngộ, chính sách khen thưởng thì việc thu thập ý kiến, feedback của nhân viên về mức độ hài lòng với công việc cũng rất quan trọng, nếu có vấn đề thì cần kịp thời tìm hiểu và đưa ra đề xuất giải quyết.

Có thể thấy rằng, COVID-19 đã thay đổi thế giới việc làm và cách mà mỗi chúng ta nhìn nhận về công việc, đặc biệt đối với thế hệ Gen Z - lực lượng lao động chính trong tương lai, những người bước chân vào thị trường lao động trong thời kỳ trước và sau đại dịch với vô vàn những biến động, bất ổn từ chính trị tới kinh tế. Hiểu đúng và “trúng” về Quiet Quitting sẽ giúp các nhà tuyển dụng nắm bắt được xu hướng này và có các giải pháp giải quyết vấn đề một cách hợp lý.

 

Để tìm hiểu thêm các thông tin về quản trị nhân sự và xu hướng ngành tuyển dụng, follow và theo dõi Hitsuji Consulting Vietnam ngay hôm nay!

Tìm hiểu thêm về chúng tôi:
Email: recruitment@hitsuji-vn.com 
Phone: 024 7778 8968 
Facebook: https://www.facebook.com/HitsujiconsultingVietnam
LinkedIn: https://www.linkedin.com/company/hitsuji-consulting-vietnam/

 
 
 

Bài viết liên quan

Zalo
Linkedin
Facebook